Thưởng – phạt con cái như thế nào cho đúng
Việc thưởng – phạt con thực sự gây tranh cãi giữa các bậc làm cha mẹ. Nhiều cha mẹ cho rằng thưởng nhiều mới tốt, phạt ít thôi, hoặc là không phạt.
Phải ngồi góc nhà hay úp mặt vào tường là hình phạt mà rất nhiều đứa trẻ không thích – Ảnh: wordpress.com |
Tôi không bao giờ thưởng cho con cả. Tôi chỉ phạt. Nhiều cha mẹ nghĩ: “Mình là người bề trên, con là bề dưới. Khi con ngoan mình thưởng, khi con hư, mình phạt”. Tôi lại không nghĩ thế. Tôi cho rằng: “Mình hay con đều là người, người ra trước, người ra sau. Mỗi người có cuộc đời riêng, có quyết định riêng. Vậy thôi”.
Có thể mọi người sẽ phản hồi: “Nó là con của mình mà”. Tôi xin nhắc lại: Khi chúng ta có con, chúng ta có hỏi ý kiến con xem nó có muốn ra đời không?” Câu trả lời chắc chắn là không. Chúng ta ép buộc con ra đời đó chứ. Sau đó, chúng ta ép con phải tự cảm thấy biết ơn vì cái sự bị ép ra đời đó sao? Dĩ nhiên, với cha mẹ mình, người lớn hơn, chúng ta phải có trách nhiệm và có hiếu. Nhưng đó là chuyện khác.
Tại sao lại phạt, phạt để làm gì?
Thực ra khi chúng ta không sử dụng bạo lực với con, để con hiểu và chấp hành những điều mà chúng ta buộc con phải làm vì sự an toàn và lành mạnh, đương nhiên phải cho con trả giá. Sự trả giá nhỏ chính là các hình phạt, nó sẽ giúp con rất nhiều mà lại tránh cho con một sự trả giá thật, vô cùng đau đớn. Con người trưởng thành, không ai mà không từng phải trả giá.
Nếu ta đồng cảm với con, hòa đồng với con sẽ dễ dàng hơn trong việc dạy dỗ. Vì thế, cha mẹ đừng bao giờ nghĩ mình là tướng, con là quân. Cha mẹ và con cái phải cùng nhau sống và phải tôn trọng nhau. Để làm tốt mọi việc, chúng ta phải có luật gia đình. Mọi thành viên đều phải tuân thủ luật gia đình nghiêm ngặt. Ai vi phạm sẽ bị phạt. Tôi nghĩ ra hình phạt với con. Tôi đề nghị con tuân theo. Bản thân tôi cũng tuân theo một cách nghiêm khắc. Khi phạm lỗi, tôi cũng sẵn sàng chịu phạt. Lúc đó, con tôi rất hoan hỉ và cảm thấy thoải mái vì biết mẹ công bằng.
Còn thưởng thì sao?
Tôi không thưởng vì thưởng giống trả công. Đã bao giờ người tuân thủ luật pháp nghiêm túc thì được thưởng đâu. Tôi không bao giờ thưởng cho con, điều đó là hoàn toàn hợp lý. Đó là chưa kể, nếu cha mẹ thưởng cho con, con sẽ làm mọi việc chỉ để được thưởng. Nếu con hư thì bị phạt. Còn con ngoan là điều đương nhiên, chẳng việc gì cha mẹ phải thưởng cả.
Cha mẹ thường hay đau đầu nhất về việc thưởng phạt con trong học tập. Chúng ta đều đồng ý: Việc học của con là… của con. Đó là trách nhiệm, là quyền lợi, nghĩa vụ… của con. Vậy tại sao bố mẹ lại phải thưởng khi con học ngoan, học giỏi?
Chưa kể, khi thưởng cho con, cha mẹ đã vô tình đẩy vị trí của mình cao và xa hơn với con. Không bình đẳng thì rõ ràng khoảng cách giữa các thế hệ sẽ bị kéo xa. Ngoài ra, việc học của con cũng không thể nào là lí do để phải thưởng cả. Tuy nhiên, nếu con có những hành vi không đúng trong học tập thì con phạm luật và đương nhiên bị phạt rồi.
Nên phạt con như thế nào?
Cách phạt con nên là tước bỏ một quyền lợi gì đó của con hoặc bắt con làm một việc gì mà con không thích. Ví dụ úp mặt vào tường. Điều này không mấy đứa trẻ thích, nhất là khi thời gian phạt kéo dài. Hoặc có thể không cho con được làm, được có cái mà con rất thích một lần.
Tôi đã có lần phạt con gái mình vì tội bé gọt bút chì nhiều quá. Mỗi một buổi học, con gọt sạch một hộp bút chì. Tôi dọa: “Nếu con gọt nữa, con sẽ bị phạt”. Hôm sau, dĩ nhiên con vẫn gọt. Tôi đón con về, hớn hở khoe với con là sắp đi dự đám cưới: Đám cưới vui lắm, nhiều đồ ăn ngon, nhiều búp bê, đồ chơi. Đến khi con thích mê mệt, tôi cương quyết cho con ở nhà và đi một mình. Con khóc tả tơi, vô cùng đau khổ, nhưng tôi không hề xuống nước.
Sau hình phạt đó, con tôi không bao giờ tự ý gọt bút chì nữa. Cháu ngoan hơn hẳn. Vài năm sau, con tôi vẫn còn nhớ vụ phạt đó, nó thừa nhận: “Con đau khổ lắm”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội