KỸ THUẬT NUÔI, NHÂN GIỐNG CHIM CHÀO MÀO

Chim Chào Mào ngày càng bị săn bắt nhiều với mục đích nuôi làm cảnh và thú chơi đấu chim Chào Mào ngày càng tăng. Trong khi đó lại ít người quan tâm đến việc nuôi sinh sản đã khiến cho loài chim này ngày càng khan hiếm hơn. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn kỹ thuật nuôi, nhân giống chim chào mào để phần nào đó giúp cho chào mào tránh khỏi tình trạng ngày càng khan hiếm ở một số vùng miền.

1) Trước khi cho chào mào sinh sản, cặp bố mẹ cần được cách ly để chăm sóc đặc biệt

a) Dinh dưỡng cho chào mào trước sinh sản:

– Chim trống: Vẫn giữ chế độ ăn uống bình thường tức cám tổng hợp, trái cây & côn trùng. Đặc biệt là tăng cường thêm nhiều loại côn trùng như: dế, superworm, trứng kiến, sẽ giúp chim khỏe mạnh (Đã thay lông, có phong độ tốt).

– Chim mái: Có khẩu phần gần như chim trống nhưng phải bổ sung thêm các loại khoáng tổng hợp, cho chim ăn quả trong mùa sinh sản có sẵn trên thị trường (Đã thay lông, có phong độ tốt).

– Trường hợp không có thuốc thì phải bổ sung thật nhiều hoa quả và côn trùng, luân phiên thay đổi để chim nhận đủ chất, tạo hệ trứng non tốt, ít gặp rủi ro sau này. Côn trùng cho chim sinh sản cần tăng cường hơn, bởi ngoài việc nuôi trứng chim mái còn phải nuôi lông, chúng thường sẽ tự vặt lông bụng của mình để lót ổ, và số lượng lông bị rụng cũng khá lớn.

b) Về giấc ngủ của chào mào trước sinh sản:

Giấc ngủ của chim cực kì quan trọng, lúc nắng tắt, chạng vạng thì ta cho cặp bố mẹ đi ngủ, treo nơi yện tĩnh, tránh mèo chuột, gây hại. Ngủ đủ giấc và không bị làm phiền giúp chim tăng cường sức khỏe cũng như sức đề kháng.

2 ) Tiến hành cho chào mào sinh sản nhân tạo:

a) Lồng nuôi chào mào sinh sản:

– Lồng nuôi chim sinh sản là loại lồng làm bằng lưới thép không gỉ, có kích thước nhỏ hoặc lớn tùy ý người nuôi. Nhưng tối thiểu là từ 180 cm (chiều dài), 120 cm (chiều rộng), 150 cm (chiều cao). Có rãnh để vệ sinh phân chim, trong lồng còn bố trí giá thể cho chim làm tổ, thường làm bằng vỏ gáo dừa cắt ngang, bình gốm, rọ tre chẳng hạn.

– Trong lồng có khay nước và thức ăn, một máng tắm nhỏ, nhiều cành đậu cho chim non tập chuyền, không đặt quá cao sẽ tăng nguy cơ chim non trượt chân khi chuyền. Lồng phải có ái che mưa, gió, mặt tiền quay về phía đón nắng sớm là tốt nhất, vào những ngày nắng to, ta dùng lưới lan che chắn bớt lại mặt tiền lồng, 2 bên lồng che chắn bằng tôn hoặc gỗ để tạo cảm giác thoải mái & an toàn cho chim, giảm stress khi chim bắt cặp và đẻ trứng.

b) Chọn chào mào trống và mái.

Chào mào mái thường thì nhỏ hơn chào mào trốngchỉ bằng khoảng 2/3 đến 3/4 chim trống. Chào mào trống có mào nhọn đỉnh uy nghiêm, còn chào mào mái thì đầu nhỏ, mào thấp và cui. Bàn chân chim mái nhỏ,móng mỏng nhìn mảnh mai, con trống thì lại ngược lại. Còn đặc điểm nữa là lông chim mái khá mềm, mịn hơn chim trống.

Chào mào mái so với chim trống thì nhỏ hơn, gọn gẽ và ít hoạt động, hay nhìn ngơ ngơ, ngác ngác và trông rất hiền. Trong một bầy chào mào, các bạn để ý thấy chú chim nào hay đứng một chỗ, mắt nhìn ngang nhìn dọc như đang cảnh giác cộng với các đặc điểm như nói trên thì đây là chào mào mái.. Nếu chọn chào mào trong bầy thì bạn nên chú ý những điểm này.

c) Cho chim chào mào bắt cặp:

– Chim Chào Mào, bắt đầu thành thục ở năm tuổi đầu tiên, mùa đẻ của chúng thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Chim trống thành thục có biểu hiện như hót nhiều hơn mọi ngày, sung mãn. Chim mái phát ra nhiều tiếng kêu nhỏ, kêu suốt ngày để tìm bạn tình.

– Tiến hành cho chim bắt cặp. Đầu tiên con trống vào lồng trước, rồi cho lồng nuôi chim mái vào sau. Khi chim trống hót to, cố sức ve vãn con mái đến lúc chim mái ve cánh cúi đầu, múa đuôi, miệng kêu liên tục thì ta tiến hành thả chim mái và chuẩn bị các giai đoạn tiếp theo.

– Trường hợp chim mái không chịu trống (hoặc ngược lại). Ta nên đổi bạn tình cho nó, tránh thả chung có thể cắn nhau tới chết.

d) Giai đoạn làm ổ của cặp chào mào bố mẹ:

– Khi đã chịu trống, chim mái sẽ chủ động đi tìm vật liệu làm tổ (đa phần là chim mái). Khi này ta cần cung cấp các vật liệu làm ổ như rơm, giấy báo cắt nhỏ, cành cây khô… Tốt nhất là nên thả lúc chạng vạng để tránh làm chim sợ.

– Cả chim trống, mái thay phiên nhau làm ổ, chúng mất khoảng 3-4 ngày cho một chiếc tổ trung bình. Một lứa chim đẻ từ 2-4 quả, trứng có màu đỏ sẫm, và có khá nhiều hoa văn.

– Ổ có được tạo nên hay không phần lớn dựa vào lượng thức ăn (Côn trùng, hoa quả) mà ta cung cấp trong lồng . Trong tự nhiên chim chỉ sinh sản khi thời tiết, môi trường thuận lợi, có nhiều thức ăn. Việc cung cấp một lượng lớn superworm là rất quan trọng, nó sẽ khuyến khích chim bố mẹ làm ổ vì nó nghĩ rằng đã có đủ lương thực.

– Khi ta không thấy cặp chim bay nhảy xung quanh lồng hay thả rác về ổ nữa, thì hãy chờ nhé, vì chúng đang bận đẻ & ấp trứng, ta không được theo dõi chúng lúc này.

e) Giai đoạn chào mào ấp trứng và nở con:

– Chim bố mẹ ấp trứng trong khoảng từ 12 – 14 ngày thì nở, thời gian nở thường là buổi sáng hoặc xế chiều, và bạn phải đảm bảo rằng có đủ lượng thức ăn tươi, để tránh chim trống phá tổ, hoặc giết chết chim con của nó, do không đủ nguồn thực phẩm.

– Cách theo dõi chim nở khá đơn giản, khi bạn nghe một tiếng:” Chíp” lớn, chắc chắn rằng một chú chim non đã chào đời. Ngoài ra, bạn còn có thể dựa vào thái độ lo lắng bồn chồn, bay tới bay lui của chim trống. Nó sẽ phát ra những âm thanh nghe rất lạ.

– Tuy là một loài chim ăn hoa quả, nhưng khi còn non, chim chỉ ăn côn trùng và sâu bọ, loại có nhiều protein giúp chúng tăng trưởng nhanh.

– Ta cần cho chim bố mẹ ăn hoa quả đầy đủ như chuối, bầu, cà chua. Nếu được có thể bổ sung thêm trái cây dại như Coccinia grandis (Qủa lục bát), đảm bảo chúng khỏe mạnh để nuôi con và có nước dãi tốt, nước dãi có tác dụng như một loại sữa non giúp tăng sức đề kháng cho chim. Chim bố mẹ sẽ luân phiên nhau gắp mồi về nuôi con.

– Lưu ý: Không nên rình xem tổ chim quá lâu, làm chúng cảm thấy stress và có thể thả rơi chim non.

f) Giai đoạn chào mào con chuyền cành:

– Khi chim non đã có đủ lông cơ bản để theo mẹ. Ta không nên bắt chim con trong giai đoạn này, vì như thế chim sẽ bị yếu xương. Nên để cho bố mẹ chúng dạy cách học bay là cách tốt nhất.

– Chim non tới giai đoạn này đã có thể cho ăn hoa quả chín, và cám tổng hợp.

Chúc các các bạn thành công.

Bạn thấy bài viết hữu ích thì đánh giá cho chaomao.info nhé